3 BÀI HỌC "XƯƠNG MÁU" DÀNH CHO AI MUỐN KHỞI NGHIỆP - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

3 BÀI HỌC "XƯƠNG MÁU" DÀNH CHO AI MUỐN KHỞI NGHIỆP

“Khởi nghiệp” là từ khóa hot có sức hút, lan tỏa vô cùng mạnh mẽ nhưng đừng vì thế mà vội vàng bước ra làm riêng, khi bản thân chưa tích đủ “chất và lượng”. Hãy tích lũy cho mình đủ 3 bài học "xương mau" dưới đây trước khi bắt tay vào khởi nghiệp.


1. SỰ THÀNH CÔNG CẤU THÀNH TỪ KINH NGHIỆM TÍCH LŨY “Câu chuyện về một nữ sinh trẻ tuổi 9x đứng lên từ thất bại để làm chủ chuỗi quán ăn có tiếng tại Hà Nội”
“Chàng trai trẻ từ bỏ mức đãi ngộ hàng nghìn đô ở bên Nhật, về Việt Nam khởi nghiệp với mô hình trồng dưa lưới”
“ Khởi nghiệp, tinh thần cần có của thế hệ hiện đại ngày nay”
Sẽ không hiếm để chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện, tấm gương, dòng thông tin đại loại như thế về “khởi nghiệp” trên báo mạng, ở các quán café hay các quán ăn. Đó là chủ đề được quan tâm trong vài năm trở lại đây, ai ai cũng thấy được sự thành công xen lẫn với niềm hạnh phúc khi những ý tưởng ban đầu được hiện thực hóa ra cuộc sống. Thế nhưng có mấy ai đủ tỉnh táo để nhìn nhận rằng: “Đằng sau mỗi thành công mà chúng ta được chứng kiến ấy, là hàng trăm những thất bại khác mà chẳng ai có thể đếm nổi”.
Có hoài bão, khát vọng và ước mơ làm giàu từ chính những ý tưởng của mình là điều tốt, nhưng có một sự thật phũ phàng mà bạn nên nhớ “Một viên đá cuội thì không thể rèn lên kim cương được”. Để bắt đầu kể về một câu chuyện khởi nghiệp thì dễ, để phân tích những thành công của ai đó đã trải qua rồi thì lại càng đơn giản… Tuy nhiên chỉ khi chính bạn bắt tay vào làm thật, phải đứng trước ranh giới của “thất bại và thành công” thì bạn mới thấy, đó không phải là một cuộc phiêu lưu đơn giản như bạn từng nghĩ.
Cho dù bạn là ai, trẻ tuổi hay lớn tuổi… khi quyết định đầu tư tiền bạc và công sức để bắt đầu khởi nghiệp thì bạn phải có trong tay những kinh nghiệm, trải nghiệm, kiến thức cơ bản nhất để làm hành trang. Bởi đơn giản “có bột mới gột được nên hồ”. Còn với những người trẻ còn đang chật vật với công việc hiện tại, khả năng chịu đựng và xử lý một khối lượng công việc lớn còn bỏ ngỏ… thì chớ vội bay bổng với ước mơ “khởi nghiệp”.

2. NHỮNG VIỆC LỚN LUÔN ĐƯỢC BẮT NGUỒN TỪ NHỮNG VIỆC NHỎ Những thành tựu vĩ đại mà chúng ta nhìn thấy luôn có bóng dáng của sự tìm tòi, kiên trì từ việc giản đơn.
Một nhân viên văn phòng ngày làm 8 tiếng, khối lượng công việc hàng ngày được giao còn lười làm, lười nghĩ, chây ì mãi không xong… Thử hỏi với cách làm việc “chật vật” như thế thì sẽ cáng đáng ra sao khi bước chân ra điều hành doanh nghiệp riêng?
Một kỹ sư nông nghiệp mà còn sợ lội xuống bùn, sợ bị lấm lem quần áo thì thử hỏi làm sao có thể sáng chế ra những giống lúa đạt năng suất, chất lượng cao cho người nông dân có “một mùa bội thu”?
Một người nhạc sĩ với khát khao cháy bỏng sẽ cho ra mắt những tác phẩm hay, chất lượng, xa hơn là những tác phẩm để đời … nhưng hiện tại, người nhạc sĩ ấy lại lười học nhạc lý, lười nghiên cứu cấu trúc của hợp âm… thử hỏi cái ước mơ xa xa kia đến bao giờ mới có thể trở thành thực?
Vậy đó, ngay cả với những công việc hàng ngày mà bạn vẫn còn đang chật vật để sinh tồn, khả năng chịu đựng áp lực và xử lý công việc ở một cường độ cao hơn còn không có. Thay vì ngồi bay bổng với ước mơ khởi nghiệp, hãy trau dồi thêm cho mình nhiều hơn những kỹ năng cần thiết sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn dành cho bạn.

3. NGHIÊM TÚC DÀNH THỜI GIAN CHUẨN BỊ KĨ CÀNG “Dục tốc thì bất đạt”.
Con đường đi đến ước mơ lớn của mỗi người vốn dĩ chẳng có một khoảng thời gian, độ tuổi hay thời điểm nào được cho là “quy chuẩn” chung cả. Có người thành danh từ rất sớm, nhưng cũng có những người đến tận khi về già mới đạt được điều mình cần. Điều quan trọng nhất không phải là bạn thành công khi nào, mà chính là việc bạn đã chuẩn bị được cho mình những gì để bắt tay vào thực hiện chuyến hành trình tạo dựng ước mơ cho riêng mình.
Hãy cứ sống là chính mình, chứ đừng bị dục giã và bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang thành công của bất cứ ai. Hãy lấy những tấm gương sáng đó làm động lực, chứ đừng biến chúng thành áp lực để thúc giục bản thân khi chưa thực sự sẵn sàng. Bởi khi mà cả “thiên thời – địa lợi và nhân hòa” đã đủ đầy, sẽ chẳng bao giờ là quá muộn cho việc thực hiện hóa một ước mơ lớn cho tương lai của chính mình.

Nguồn: Cafebiz

Không có nhận xét nào