5 ĐIỀU START-UP CẦN HỌC TỪ TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

5 ĐIỀU START-UP CẦN HỌC TỪ TIỂU THUYẾT CỦA KIM DUNG

'
Với ngòi bút điêu luyện, Kim Dung đã khắc họa nên hình tượng một Vi Tiểu Bảo vô cùng độc đáo có một không hai trong thế giới kiếm hiệp, và cũng giúp cho người đọc hiểu ra thêm được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện nay.



Có thể thấy tinh thần nghĩa hiệp luôn xuyên suốt 15 tác phẩm của Kim Dung, từ tiểu thuyết đầu tay Thư Kiếm Ân Cừu Lục cho tới bộ tiểu thuyết cuối cùng Việt Nữ Kiếm. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với tôi, và ngay cả chính tác giả là bộ tiểu thuyết Lộc Đỉnh Ký cùng nhân vật Vi Tiểu Bảo.

Khác hoàn toàn những nhân vật đầy khí phách từng xây dựng, Vi Tiểu Bảo là một nhân vật phản anh hùng, gã có tính cách xảo trá, đê tiện khó lường nhưng cũng lại vô cùng nghĩa khí đối với bằng hữu và luôn lo chu toàn cho tất cả những hội phái mà gã tham gia.

Mặc dù chính tác giả Kim Dung từng nói Vi Tiểu Bảo ngoài tinh thần nghĩa khí ra thì tất thảy đều không nên noi theo, tuy nhiên nhìn từ cuộc đời nhân vật này cùng con đường tiến thân kỳ lạ của gã, tôi thấy sẽ có rất nhiều điểm thú vị để những người đang bắt đầu con đường start up lưu tâm.

1. Sử dụng đòn bẩy
Với xuất thân hèn kém nhất xã hội Trung Quốc bấy giờ - con trai một kỹ nữ, để lên tới chức Lộc Đỉnh Công dưới một người mà trên vạn người, Vi Tiểu Bảo đã làm rất tốt việc đứng trên vai người khổng lồ. Mặc dù học ít nhưng với lợi thế lẻo mép, láu lỉnh, miệng trơn như mỡ, trí nhớ tài tình mà Vi Tiểu Bảo đã rất nhanh chóng kết thân với Tiểu Hoàng Đế Khang Hy, từ đó mở ra con đường quan lộ thênh thang cho bản thân.

Không chỉ như vậy, Vi Tiểu Bảo còn tận dụng được mối quan hệ với sư phụ Trần Cận Nam, trở thành Hương chủ Thanh Mộc Đường của Thiên Địa Hội, từ vị thế đó giúp gã giải quyết biết bao nhiêu trở ngại trên con đường thăng tiến của mình.

Trong cuộc sống, những doanh nghiệp khi mới bắt đầu khởi nghiệp đa phần cũng đều rất khó khăn vất vả, giống như tên tiểu tử họ Vi với xuất thân hèn kém. Nhưng nếu biết tận dụng những lợi thế sẵn có và tạo dựng được những mối quan hệ có lợi, sử dụng chúng làm đòn bẩy thì vẫn có thể tiến rất nhanh và xa như con đường Vi Tiểu Bảo đã đi.

2. Biết cách tiêu tiền
Bất cứ ai khi bước chân vào con đường kinh doanh cũng đều mong có ngày sẽ kiếm được thật nhiều tiền. Nhưng có tiền rồi thì tiêu như thế nào cho đúng, và làm sao để dòng tiền quay ngược trở lại ngày càng nhiều hơn? Điều này chúng ta rất nên học tập ở Vi Tiểu Bảo.

Ngay trong lần đầu ẵm trọn khoản tiền lớn từ nhà Ngao Bái, gã đã rất hiểu đạo lý "Có phúc cùng hưởng" mà không ngại ngần lấy ra năm vạn lượng đem chia cho bọn thủ hạ, cung nữ, thái giám, mỗi lần có người truyền chỉ đều được thưởng tiền.

Hay lúc thế thân cho Khang Hy làm hòa thượng gã cũng dùng tiền rất sảng khoái, thị vệ Trương Khang Niên tuy từng có lời nịnh Vi Tiểu Bảo nhưng không phải là không có lí: "Từ xưa đến nay, vị đại hòa thượng duy nhất thưởng tiền cho thị vệ của hoàng đế thì chỉ có mình Vi đại nhân, đúng là tiền vô cổ nhân, hậu vô lai giả."

Thực chất Vi Tiểu Bảo sử dụng đồng tiền rất có mục đích, mà những con người được gã tặng tiền bạc đều một mực nghe theo sai khiến của gã, giúp gã lại kiếm tiền một cách dễ dàng hơn.

Ở đây câu chuyện sử dụng đồng tiền có mục đích đầu tư rõ ràng là rất quan trọng, khi bản thân mỗi chúng ta đều cần phải tính toán xem từng đồng từng cắc bỏ ra có thể đem lại được lợi ích về sau này hay không, mới thấy sự xứng đáng của việc đầu tư đó như thế nào.

3. Thấu hiểu tâm lý
Là tên tiểu tử sinh ra và lớn lên ở nơi kỹ viện, Vi Tiểu Bảo vô cùng lanh lợi và lẻo mép. Tài ăn nói của y đã giúp y rất nhiều lần trong cuộc sống, đó không phải là thứ tự nhiên mà có bởi thực chất Vi Tiểu Bảo là một chuyên gia đọc suy nghĩ người khác.

Khi nịnh một người, gã sẽ không sử dụng cách a dua nịnh bợ thông thường mà đi sâu vào mong muốn của họ, như khi ở Thần Long giáo, người ta chỉ nói là "Hồng giáo chủ tiên phúc vĩnh hưởng, thọ dữ thiên tề", nhưng Vi Tiểu Bảo biết mình cần lôi cả Hồng phu nhân vào trong câu nói ấy, bởi nàng ta đối với môn phái này cũng có vị trí đặc biệt quan trọng.

Khi được truyền dạy chiêu cuối trong "Mỹ Nhân Tam Chiêu", Vi Tiểu Bảo thay vì khen một tiếng "Hay", gã lại nói: "Sợ chết ta mất". Hồng giáo chủ và Hồng phu nhân nghe được câu này của gã còn vui hơn khi nghe ngàn câu, vạn câu xưng tụng bình thường.

Điều này cho thấy Vi Tiểu Bảo rất hiểu đối tượng trước mắt mình là một kẻ vô cùng háo thắng và tự kiêu, cho nên biện pháp khen ngược này của gã phát huy hiệu quả vô cùng.

Đối với những doanh nghiệp khởi nghiệp, việc thấu hiểu tâm lý sẽ là một lợi thế rất lớn đối với chủ doanh nghiệp, khi họ vừa phải hiểu tâm lý nhân viên để bố trí nhân sự vận hành doanh nghiệp, lại vừa phải thấu hiểu khách hàng mới hy vọng bán được hàng. Do đó, kỹ năng thấu hiểu này của Vi Tiểu Bảo quả là đáng học hỏi, dù cho thời thế của gã đã cách chúng ta hàng vài thế hệ.

4. Dụng nhân
Ngoài sử dụng tiền bạc để đối đãi với bằng hữu hay kẻ hầu người hạ, Vi Tiểu Bảo còn rất giỏi trong việc quản trị nhân sự. Với kẻ có cuộc sống phức tạp như Vi Tiểu Bảo, vừa là đại quan triều đình, vừa là Hương chủ của hội phái chống triều đình, gã đã điều tiết rất tốt các mối quan hệ của mình để tránh bị bại lộ thân phận.

Đồng thời trong gia đình 7 người vợ - mỗi người 1 cá tính rất mạnh của mình, để tránh bị công chúa Kiến Ninh bắt nạt, Tiểu Bảo đã dùng người vợ cả Tô Thuyên đứng ra quản việc nhà cửa, khi nàng là người vừa có kinh nghiệm lại có võ công vô cùng cao cường. Ngoài ra, Tiểu Bảo cũng đảm bảo được tương lai cho cả 7 người vợ của gã, khiến họ một lòng đi theo gã.

Đối với những công ty khởi nghiệp, khi điều kiện kinh tế còn chưa vững vàng thì phương án quản trị nhân sự lại càng phải linh hoạt, để nhân viên có thể dốc sức làm việc cho mình ngoài tiền thưởng cũng phải đi kèm kỷ luật, và hướng doanh nghiệp mình tới những cái đích xa hơn.

5. Rời bỏ kế hoạch
Như tất cả những nhân vật hai mang, tới một ngày vai trò mâu thuẫn của Vi Tiểu Bảo cũng dẫn đến kết cục xung đột. Tiểu Bảo nhận ra rằng gã không bao giờ có thể điều hòa giữa hai bên đối lập là triều đình và Thiên Địa Hội, vì cả hai cùng giằng xé nhau trong khi cậu bị kẹt ở giữa. Vì thế gã quyết định bỏ đi theo con đường riêng của mình và đưa cả bảy cô vợ xinh đẹp cùng ba đứa con bí mật rời đi.

Trong kinh doanh nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ đã tập trung vào sự tăng trưởng và thành công mà họ không muốn nghĩ đến việc rời khỏi. Nhưng một chiến lược rút lui không có nghĩa là doanh nghiệp của bạn đã thất bại. Doanh nghiệp nhỏ của bạn có thể rất thành công và có lợi nhuận - nó chỉ có nghĩa là bạn đang rời đi và để cho người khác chịu trách nhiệm.

Tương tự như trường hợp của Vi Tiểu Bảo, gã vẫn có thể tiếp tục trở thành Lộc Đỉnh Công oai phong, nhưng tới thời điểm đó thì điều này không còn là những gì gã mong muốn, khi mà nó đi ngược lại với giá trị cốt lõi của gã là sự coi trọng nghĩa khí, do đó gã quyết định rút lui.

Các doanh nghiệp nhỏ cũng nên có những chiến lược rút lui phù hợp với hoàn cảnh của doanh nghiệp. Điều này chỉ đơn giản là nghĩ trước về cách bạn muốn rời khỏi công việc kinh doanh hiện có, vì nó có thể loại bỏ rất nhiều sự không chắc chắn trong công việc và sẽ cho bạn sự chuẩn bị tốt nhất để đối phó với những biến động khó lường của thời cuộc.

Với ngòi bút điêu luyện, Kim Dung đã khắc họa nên hình tượng một Vi Tiểu Bảo vô cùng độc đáo có một không hai trong thế giới kiếm hiệp, và cũng giúp cho người đọc hiểu ra thêm được rất nhiều vấn đề trong cuộc sống hiện nay.

Hi vọng góc nhìn trong bài viết này của tôi sẽ được chỉ điểm thêm để có thể hoàn thiện hơn và cũng góp phần gợi ý cho những doanh nghiệp start up những ý tưởng mới trong công việc quản trị doanh nghiệp của mình.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Không có nhận xét nào