MUỐN LÀM SẾP, HÃY HỌC CÁCH TỰ QUẢN LÝ BẢN THÂN TRƯỚC! - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

MUỐN LÀM SẾP, HÃY HỌC CÁCH TỰ QUẢN LÝ BẢN THÂN TRƯỚC!

Đối với bất kỳ ai muốn làm quản lý hay thăng tiến, điều cần làm là ghi điểm với cấp trên. Không có gì tạo được ấn tượng tốt với cấp trên hơn là khả năng quản lý bản thân. Nếu cấp trên thường phải tiêu tốn nguồn lực vào việc quản lý bạn, bạn sẽ bị xem là kẻ bòn rút thời gian và năng lượng của họ. Nhưng nếu bạn quản lý bản thân tốt, sếp sẽ xem bạn như một người biết tận dụng tối đa cơ hội và phát huy các ưu điểm cá nhân.


Dưới đây là 7 điều bạn cần làm để tự quản lý bản thân được bậc thầy nghệ thuật lãnh đạo John C.Maxwell đề cập trong cuốn sách The 360o Leader.
1. Quản lý cảm xúc
Các nghiên cứu khoa học cho thấy những người có các vấn đề cảm xúc dễ bị tai nạn ô tô hơn những người bình thường tới 144% hay cứ 5 nạn nhân của các vụ tai nạn chết người, có 1 người đã cãi nhau với người khác trong 6 giờ trước vụ tai nạn. Quản lý cảm xúc là điều rất quan trọng, đặc biệt là với các nhà lãnh đạo bởi mọi hoạt động của họ đều có ảnh hưởng rất lớn đến nhiều người khác.
Những nhà lãnh đạo giỏi biết khi nào nên thể hiện và khi nào nên trì hoãn cảm xúc. Đôi khi họ bày tỏ cảm xúc để tìm sự thông cảm và làm lay động người khác. Liệu đây có phải “mị dân” không? John C.Maxwell cho rằng không phải vậy, miễn sao điều đó tốt cho tổ chức và không phải là vì lợi ích cá nhân của họ. Tuy nhiên kiềm chế cảm xúc khác với phủ nhận và chôn vùi nó. Điểm mấu chốt là bạn nên đặt người khác chứ không phải bản thân lên đầu khi giải quyết và xử lý các cảm xúc.
2. Quản lý thời gian
Quản lý thời gian là vấn đề đặc biệt khó khăn đối với những người ở vị trí giữa một tổ chức. Những nhà lãnh đạo cấp cao có thể ủy quyền, những công nhân được trả tiền theo giờ và làm bất cứ điều gì có thể trong khoảng thời gian đó còn những người ở giữa thường chịu áp lực từ 2 nhóm trên và thường được kỳ vọng làm thêm giờ để hoàn thành công việc.
Thời gian là tiền bạc, một chuyên gia tâm thần học từng nói “Chừng nào chưa coi trọng bản thân, bạn còn chưa coi trọng thời gian.” Trong cuộc sống này mọi người không thanh toán mọi thứ bằng tiền mà bằng thời gian của họ. Vì vậy thay vì nghĩ đến việc bạn làm và thứ bạn mua dưới dạng tiền bạc, hãy nghĩ tới chúng dưới dạng thời gian. Hãy nghĩ xem điều gì đáng để bạn dành trọn cả cuộc đời? Từ đó bạn sẽ có cách quản lý thời gian hiệu quả hơn.
3. Quản lý các ưu tiên
Quy luật chung thường cho thấy khi bạn không biết cách quản lý các ưu tiên, công việc của bạn sẽ luôn áp lực và giảm hiệu suất. Đặc biệt với vị trí ở giữa một tổ chức, bạn sẽ có một núi công việc cần xử lý. John C.Maxwell đề xuất cách quản lý các ưu tiên như sau:
- 80% thời gian- làm những việc bạn giỏi nhất
- 15% thời gian- làm những việc bạn đang học hỏi
- 5% thời gian-làm những việc cần thiết khác.
Có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu thực hiện nhưng bạn cần học cách giao quyền, tính kỷ luật và phải “nhẫn tâm” khi quyết định đâu là những việc không nên làm. Thích làm một số công việc không có nghĩa phải đưa nó vào danh sách việc cần làm. Hãy chỉ làm những việc có thể giúp bạn phát triển khả năng hoặc những việc cấp trên yêu cầu đích thân bạn làm. Tất cả những công việc còn lại đều là ứng viên cho danh sách những việc không nên làm của bạn.
4. Quản lý năng lượng
Ngay cả những người giàu năng lượng nhất cũng có thể bị rút cạn năng lượng trong những tình huống khó khăn hoặc không biết cách phân bổ, sử dụng chúng. Có 3 nhóm hao mòn năng lượng mọi người thường mắc phải gồm: Làm những việc không quan trọng, Không có khả năng làm những việc thật sự quan trọng, Không có khả năng ứng phó với vấn đề.
Vì vậy để quản lý năng lượng bản thân tốt nhất, mỗi ngày bạn bên nhìn vào lịch làm việc của mình và tự hỏi “Việc nào là việc chính?” . Từ đó hãy đảm bạn mình có đủ năng lượng để thực hiện việc đó với sự tập trung và xuất sắc.
5. Quản lý suy nghĩ
Kẻ thù lớn nhất của suy nghĩ sâu sắc là sự bận rộn. Khi bạn muốn trở nên xuất sắc, hãy biết cách quản lý sự bận rộn quanh mình. Nếu bạn thấy nhịp độ cuộc sống quá gấp gáp và không có phút nào để suy nghĩ trong cả ngày làm việc, hãy tạo thói quen viết nhanh ra giấy 3 đến 4 điều cần đầu tư thời gian để tìm cách giải quyết. Sau đó tìm thời gian thích hợp để suy nghĩ về những điều đó.
Việc suy nghĩ chỉ mất khoảng 30 phút mỗi ngày, hoạc bạn có thể lưu lại những điều đó trong một tuần và dành thời gian xử lý trong ngày thứ 7, miễn sao đừng để quá lâu đến nỗi nó làm bạn nản lòng và sợ hãi.
Hãy nhớ một nguyên tắc: 1 phút > 1 giờ. Một phút suy nghĩ đáng giá hơn một giờ nói chuyện phiếm hay làm việc không có kế hoạch.
6. Quản lý lời nói
Các nhà lãnh đạo cấp cao thường không nghe lời bạn nói mà thường đánh giá cao hành động. Nếu họ ngừng việc đang làm lại để lắng nghe, những lời họ nghe sẽ có giá trị. Vì vậy hãy sử dụng ngôn từ hiệu quả nhất. Nếu bạn muốn lời nói của mình có sức nặng, hãy để tâm nhiều hơn đến chúng Nếu bạn quản lý tư duy và tận dụng hiệu quả khoảng thời gian tập trung suy nghĩ, kỹ năng quản lý lời nói của bạn sẽ tiến bộ trông thấy. Đối với cấp trên, nếu bạn có điều gì đáng nói, hãy nói ngắn gọn và súc tích. Nếu không có gì đáng nói, đôi khi việc tốt nhất nên làm là giữ yên lặng.
7. Quản lý cuộc sống riêng
Điều cuối cùng, dù bạn làm việc và quản lý bản thân rất tốt ở chỗ làm nhưng cuộc sống của bạn là một mớ bung bét, cuối cùng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Có ích gì khi leo lên đỉnh cao sự nghiệp nhưng hôn nhân lại tan vỡ, bạn trở thành người xa lạ với con cái?
“Không có thành công nào trong sự nghiệp đáng để ta phải hy sinh gia đình của mình”, John C.Maxwell cho biết. Vì vậy, John C.Maxwell định nghĩa thành công là có những người thân thiết nhất luôn yêu thương và tôn trọng mình. Ông muốn có được tình yêu và sự tôn trọng của vợ, con trước khi có sự tôn trọng của bất cứ ai làm việc với mình. Và bạn cũng thế chứ?
____________________
Nguồn: theo Trí Thức Trẻ

Không có nhận xét nào