10 LỜI KHUYÊN BỔ ÍCH để bạn THÀNH CÔNG *SỚM* hơn những người khác – Lời Khuyên 4 - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

10 LỜI KHUYÊN BỔ ÍCH để bạn THÀNH CÔNG *SỚM* hơn những người khác – Lời Khuyên 4



Lời Khuyên số 4:

NGHIÊN CỨU THẬT KỸ NHỮNG CÔNG TY
MÀ BẠN MUỐN ĐẦU QUÂN VÀO



Lần nữa, đây là một lời khuyên đáng tiếp thu không chỉ với copywriter hay nhà quảng cáo trẻ mà còn cần thiết trong bất kỳ lĩnh vực hay nghề nghiệp nào.



1. Mỗi khi bạn nộp đơn xin việc vào một công ty nào đó, việc nghiên cứu, thu thập thông tin và hiểu biết thấu đáo về công ty và vị trí bạn muốn ứng tuyển không chỉ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất cho công việc sắp tới của mình, mà bạn sẽ phải cần đến những hiểu biết đó để trả lời phỏng vấn từ nhà tuyển dụng.

Nếu bạn chứng tỏ được năng lực và hiểu biết thấu đáo về công ty và công việc ứng tuyển, bạn sẽ giành được điểm cộng đáng kể trong mắt nhà tuyển dụng. Điều đó cho thấy bạn thực sự đam mê công việc và có thái độ nghiêm túc trong việc trở thành một thành viên của công ty và nỗ lực mang lại những hiệu quả hoạt động tối đa cho doanh nghiệp.

Quan trọng hơn, tôi muốn lưu ý các bạn ở điểm là việc tìm hiểu về công ty và vị trí ứng tuyển không chỉ nên dừng lại ở những hiểu biết chuyên môn hay những thông tin cứng như lịch sử và thành tựu công ty. Có những chi tiết nhỏ tưởng chừng như vô giá trị lại có thể giúp bạn được nhà tuyển dụng ưu ái và giành được chiến thắng một cách ngoạn mục, chẳng hạn như trong câu chuyện sau:




Khách hàng ưu tiên mua hàng từ những người bán hàng mà họ yêu quý, chứ không nhất thiết từ những doanh nghiệp tốt nhất hay đỉnh nhất.

2. Derryck Strachan từng là copywriter và hiện là giám đốc công ty viết quảng cáo Big Star Copywriting. Anh kể rằng phần lớn những lá thư xin việc anh nhận được đều bắt đầu bằng “Kính thưa Ông/Bà” hoặc ghi “Kính gửi” cộng với tên công ty một cách chung chung nhợt nhạt. Strachan nói rằng những người viết các lá đơn đó vừa bỏ qua cơ hội đầu tiên và vô cùng đơn giản để gây ấn tượng tốt với anh. Không có một lá đơn nào gọi trực tiếp tên anh, mặc dù anh đã thông báo rất rõ ràng trên website công ty rằng tất cả hồ sơ xin việc đều được gửi trực tiếp đến tay anh, và tên tuổi cũng như tiểu sử của anh đã được trình bày rất đầy đủ trên website cũng như các ấn phẩm của công ty.

Dù các bạn có thực sự tìm hiểu thấu đáo về công ty hay không, việc thiếu sót tên người sẽ tuyển dụng mình có thể là một sai lầm đáng tiếc khiến hồ sơ bạn sớm bị loại, nhất là khi đó là một vị trí ứng tuyển cạnh tranh và phải qua nhiều vòng phỏng vấn và lọc hồ sơ. Chưa kể, việc bạn quên béng tên nhà tuyển dụng cũng có thể cho họ ấn tượng rằng bạn đã không thực sự tìm hiểu, quan tâm và có thái độ nghiêm túc đối với công việc hoặc công ty, và thất bại là điều khó tránh khỏi…


3. Nếu bạn vẫn còn cho rằng câu chuyện trên của Derryck Strachan là một yêu cầu quá quắt nhỏ nhặt vì nó chẳng liên quan gì đến chuyên môn hay thực tài của bạn, bạn đã lầm to! Trong cuốn sách quảng cáo kinh điển “Quảng cáo quyến rũ”, tác giả Pierre Martineau sẽ chứng minh cho bạn thấy việc thể hiện tài năng lý trí và giành thiện cảm của mọi người là hai việc hoàn toàn khác nhau, thậm chí không đội trời chung. Khách hàng ưu tiên mua hàng từ những người bán hàng mà họ yêu quý, chứ không nhất thiết từ những doanh nghiệp tốt nhất hay đỉnh nhất. Tương tự, nhà tuyển dụng sẽ mở rộng vòng tay chào đón những ứng viên gây được ấn tượng tốt và có thái độ nghiêm túc, chứ không cần những cá nhân tài giỏi nhưng vô cảm, không biết mình là ai.



Còn trong cuốn sách dạy đối nhân xử thế kinh điển của mọi thời “Đắc nhân tâm”, Dale Carnegie cũng đã nhắc đi nhắc lại với bạn rằng tên của một người chính là âm thanh đẹp đẽ nhất thế giới đối với họ; do vậy, việc đơn giản đầu tiên mà bạn phải làm để giành lấy thiện cảm từ bất kỳ ai chính là biết và nhớ tên họ.

Bạn có bực mình và vui vẻ phản hồi không nếu một ai đó liên tục nhờ vả hỏi han bạn nhưng không thèm gọi tên bạn mà cứ “Ấy ơi,” “Ấy à”?

Bạn có rảnh hơi đến nỗi đi đọc một lá thư mà tên người nhận không phải bạn?

Nhà tuyển dụng của bạn cũng sẽ có cảm giác khó chịu tương tự, nếu bạn không biết tên họ.

Tóm lại bài viết ngày hôm nay, bạn muốn nộp đơn ứng tuyển vào công ty nào, hãy dành thời gian tìm hiểu thật kỹ về công ty đó cũng như vị trí mà mình sẽ ứng tuyển: từ những thông tin chuyên môn nghề nghiệp cho đến những chi tiết nhỏ liên quan đến nhà tuyển dụng. Bài học rút ra từ ví dụ của copywriter Derryck Strachan: Chỉ cần biết tên nhà tuyển dụng và ghi ngay vào đầu thư xin việc, bạn đã làm cho bản thân mình trở nên khác biệt, dễ nhớ và đáng yêu hơn trong mắt nhà tuyển dụng so với những hồ sơ khác.

.
~ ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan




Link: http://bit.ly/2UsUUN4

Không có nhận xét nào