MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG CHO SME: NHANH HAY CHẬM? - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

MÔ HÌNH TĂNG TRƯỞNG CHO SME: NHANH HAY CHẬM?

Tính chất quan trọng của doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) là sự năng động. Nhưng để tồn tại, phát triển được cần đẩy mạnh sản xuất, chiếm lĩnh thị phần, thu hút vốn, gia tăng lợi nhuận và làm hài lòng các nhà đầu tư. Theo khảo sát, có tới 94% nhà quản trị cấp cao cho rằng tăng trưởng phải là ưu tiên hàng đầu của mỗi doanh nghiệp. Bởi vậy, cụm từ “tăng trưởng nhanh” ngày càng phổ biến hơn và trở thành kim chỉ nam trong việc xây dựng và phát triển dài hạn của nhiều doanh nghiệp SMEs.
Làm kinh doanh vốn dĩ đã nhiều rủi ro nhưng làm sao để dẫn dắt doanh nghiệp bước qua giai đoạn tăng trưởng nhanh lại càng khó khăn hơn. Nếu không có chiến lược đúng đắn và kế hoạch bài bản, hậu quả mà doanh nghiệp phải đánh đổi là không hề nhỏ.

Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh (high/fast growth business) là một khái niệm quan trọng của kinh tế và quản trị học, nó là sự tăng quy mô, thể hiện bởi những tiêu chí khác nhau như: tăng khả năng sản xuất, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, mở rộng thị phần, tăng quy mô lao động,… Sự tăng trưởng còn được phản ánh thông qua sự gia tăng về số lượng, quy mô đơn hàng, dòng tiền đổ vào ngày một tăng và giá cổ phiếu duy trì mức tăng trưởng tích cực. Nhưng để thời kỳ tăng trưởng kéo dài ổn định thì lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó cơ bản nhất là quản lý bộ máy vận hành, quản lý nguồn lực về tài chính và nhân sự.

TĂNG TRƯỞNG NHANH: LIỆU CÓ BỀN VỮNG?

Tăng trưởng nhanh là tốt, nhưng tăng trưởng quá nhanh lại khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều vấn đề. Đôi khi tăng trưởng quá nhanh không phải “tương lai màu hồng” mà đó là thách thức.
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Harvard Business Review, chu kỳ vòng đời của doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small business life cycle) bao gồm 5 giai đoạn chính. Sự phát triển này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động bên ngoài như đặc tính thị trường của sản phẩm dịch vụ, nền kinh tế, cạnh tranh,… cùng với đó là các yếu tố nội bộ như khả năng quản lý, sức mạnh, tầm nhìn của lãnh đạo, chất lượng, văn hóa doanh nghiệp,… Mỗi giai đoạn đều có đặc tính, cơ hội và thử thách riêng.
Các giai đoạn bao gồm:
Giai đoạn 1: Tồn tại (Existence)
Giai đoạn 2: Sống còn (Survival)
Giai đoạn 3: Thành công (Success)
Giai đoạn 4: Tăng trưởng nhanh (Take – off)
Giai đoạn 5: Trưởng thành nguồn lực (Resource Maturity)

Trong toàn bộ chu kỳ vòng đời của doanh nghiệp thì tăng trưởng nhanh thường rơi vào giai đoạn 4, trước khi doanh nghiệp đạt được trạng thái ổn định, trưởng thành về các nguồn lực; hoặc trước khi doanh nghiệp bước vào chu kỳ phát triển mới, mở rộng quy mô hơn và phức tạp hơn. Trong giai đoạn này, doanh nghiệp sẽ liên tục gia tăng số lượng khách hàng, doanh số bán hàng tăng trưởng đều và dòng tiền luôn tích cực. Khi tăng trưởng ở mức độ phức tạp hơn thì cần có kế hoạch dài hạn đối với trách nhiệm và nhu cầu của doanh nghiệp. Đối với nhiều doanh nghiệp về công nghệ họ có thể chỉ mất 2 – 3 năm từ lúc thành lập để có đủ nguồn lực, điều kiện để “tăng tốc”, tuy nhiên với những lĩnh vực kinh doanh khác thì cần một khoảng thời gian dài hơn (tiền phát triển nhanh), có thể kéo dài đến hơn 10 năm.
Tăng trưởng là mong muốn của bất cứ doanh nghiệp nào, nhưng tăng trưởng nhanh có thực sự bền vững? Khi cỗ xe lăn bánh quá nhanh thì người lái xe phải kiểm soát được tốc độ, hệ thống phanh và kết cấu hạ tầng phải đảm bảo. Nó đồng nghĩa với việc “đốt cháy” nhanh chóng các nguồn lực, cả về tài chính và nhân lực, trước khi doanh nghiệp tự ổn định, cũng như các rủi ro khác như chưa nghiên cứu đầy đủ về tính kinh tế của mô hình kinh doanh cũng như thực tiễn thị trường. Để tăng trưởng doanh nghiệp phải tiêu tốn không ít tiền. “Tiền ở đâu ra?” luôn là một câu hỏi thường trực. Khi không được bơm tiền kịp thời thì nó cũng giống như một cỗ máy đang chạy nhanh mà không được tiếp thêm nhiên liệu.
Một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng, trong hơn 1.000 doanh nghiệp trên toàn cầu của tạp chí Mc Kinsey, 10% các doanh nghiệp có được lợi thế lâu dài về tốc độ tăng trưởng nhanh. Trái lại, đối với các doanh nghiệp còn lại, phát triển nhanh không đưa lại lợi ích gì, thậm chí còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Kỳ vọng tăng trưởng một cách thái quá khiến người lãnh đạo đưa ra những thách thức vượt quá khả năng và kinh nghiệm lãnh đạo của họ để rồi khiến doanh nghiệp bị nhấn chìm.
Bởi vậy, cần thận trọng khi đối mặt với tăng trưởng nóng bởi đây không phải là sân chơi chỉ có một người.
Dưới đây là những vấn đề mà các doanh nghiệp cần phải thận trọng khi đối mặt với tăng trưởng nhanh:
1. Bộ máy vận hành: Quá trình tăng trưởng đồng nghĩa với khối lượng công việc tăng cao, đặt áp lực lên bộ máy vận hành và các bộ phận hỗ trợ của doanh nghiệp hơn. Đó có thể là khối lượng nghiệp vụ nhiều hơn, số lượng giao dịch nhiều hơn, quy trình nghiệp vụ có thể lỗi thời, chưa kịp cải thiện, cập nhật để đáp ứng nhu cầu hoạt động,… Doanh nghiệp nào cũng muốn phát triển nhanh nhưng lại thường bỏ qua công đoạn chuẩn bị kỹ càng về mặt hệ thống, nhân sự (không chuẩn hóa, tự động hóa quy trình nghiệp vụ, không tuyển đủ người, không đào tạo kỹ năng mới,…). Tất cả những điều này dẫn tới năng suất và chất lượng công việc không đảm bảo, kéo theo sự không hài lòng từ phía khách hàng.
2. Nhân sự: Khi công việc kinh doanh phát triển, việc thuê và duy trì nhân sự ổn định cũng là một thách thức. Cần người để lấp đầy vào những vị trí phát sinh thường xuyên, trong khi ban lãnh đạo lại quá bận rộn và đưa ra những quyết định tuyển chọn vội vã. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp doanh nghiệp còn bỏ qua hoặc làm qua loa khâu đào tạo để đảm bảo đội ngũ nhân viên. Thêm vào đó, khi khối lượng công việc tăng nhanh khiến nhân viên không khỏi áp lực, dẫn đến tâm lý mệt mỏi, thiếu động lực, tinh thần trong công việc.
3. Chi phí tăng cao: Tăng trưởng nhanh thường là giai đoạn “đốt tiền” của doanh nghiệp và sự mất cân đối dòng tiền thường là nguyên nhân dẫn đến thất bại. Để đảm bảo hệ thống vận hành trôi chảy, doanh nghiệp cần phải đầu tư rất lớn vào việc mua các thiết bị, dây chuyền, máy móc, vật liệu,… Con số này có thể áp đảo lợi nhuận và làm “xẹp” lợi nhuận của doanh nghiệp. Bởi vậy, cần đưa ra những kế hoạch dự phòng tránh trường hợp mất cân đối tài chính.
4. Huy động vốn: Để mở rộng quy mô thì câu hỏi đầu tiên là “Tiền đâu?”. Quá trình tăng trưởng cần rất nhiều tiền, có thể đi vay, nhưng vay thì phải trả, nếu tăng trưởng không bền vững thì rủi ro không trả được nợ là vô cùng nguy hiểm. Hiện nay, các nhà đầu tư đang ngày càng khôn ngoan hơn. Nhiều doanh nghiệp vội vã đầu tư nhưng không lường hết khó khăn, dẫn tới việc mất cân đối nguồn vốn, thanh khoản kiệt quệ.
5. Chất lượng dịch vụ cung cấp cho khách hàng: Khi mở rộng quy mô quá mức thì việc quản lý sẽ nằm ngoài tầm kiểm soát trong khi lượng khách hàng tăng cao, đòi hỏi khắt khe với chất lượng và dịch vụ của doanh nghiệp. Tất yếu các dịch vụ của khách hàng sẽ không còn được như trước, khách hàng mới không chắc sẽ tăng lên bao nhiêu nhưng khách hàng cũ thì sẽ không hài lòng, đó chính là một sự cảnh báo!
Các nhà quản trị chính là những người lèo lái cỗ máy doanh nghiệp, bởi vậy phải có trách nhiệm lắp hệ thống phanh phù hợp với cỗ máy mình đang vận hành, lúc nào cần tăng tốc, lúc nào cần hãm phanh, đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiêm và đôi khi cả sự may mắn. Điều quan trọng là đừng mất kiểm soát.

…. “CHẬM LỚN” HAY CHẬM MÀ CHẮC?

Dẫu rằng cuộc chiến trên thương trường đòi hỏi các doanh nghiệp cần có sự nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, nhưng đôi khi “dục tốc” thì “bất đạt”. Nhiều doanh nghiệp chọn cho mình hướng đi chậm mà chắc với mục đích tồn tại lâu dài. Thay vì việc đốt tiền vào việc mở rộng thị trường về số lượng, những doanh nghiệp này chọn cách tạo dựng nền tảng kinh doanh cần thiết, tập trung vào khách hàng, tối ưu trải nghiệm của họ, cung cấp những dịch vụ cao cấp, hàng hóa chất lượng cao, gây dựng khách hàng trung thành. Lựa chọn quá trình tăng trưởng chậm cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không phải đối mặt với rủi ro “đốt cháy” cả về tài chính và động lực làm việc của đội ngũ nhân viên.
Tuy nhiên, nếu mãi mãi duy trì tốc độ tăng trưởng chậm cũng khiến doanh nghiệp khó trở tay khi thị trường thay đổi. Hay việc chần chừ không cải tiến, đầu tư vào máy móc, cải tiến cũng khó đưa ra những lời mời hấp dẫn để thu hút nhân tài, huy động vốn.

Tốc độ phát triển trong kinh doanh là điều cần thiết, nó đem lại nhiều lợi nhuận hơn, giúp doanh nghiệp mở rộng cả về quy mô lẫn thị phần. Tuy nhiên, không phải tăng trưởng nhanh lúc nào cũng là tốt, khi nhận thấy các rủi ro đang vượt qua khả năng kiểm soát nghĩa là doanh nghiệp đang đi quá nhanh so với thực lực quản trị của lãnh đạo doanh nghiệp. Cần đánh giá các yếu tố liên quan để đưa doanh nghiệp về lại với tốc độ phát triển bền vững hơn.
Nguồn: quản trị phân phối



Không có nhận xét nào