[Marketing thời 4.0] Xỉa xói đối phương, tự phong “sát thủ” – Một hãng điện thoại Tàu đã gây bão toàn cầu với chiến dịch “marketing du kích” có 1-0-2 - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

[Marketing thời 4.0] Xỉa xói đối phương, tự phong “sát thủ” – Một hãng điện thoại Tàu đã gây bão toàn cầu với chiến dịch “marketing du kích” có 1-0-2

Thị trường điện thoại được ví như một “biển máu” với quá nhiều cạnh tranh, nhưng OnePlus – một thương hiệu Trung Quốc đã ghi tên mình lên “bảng vàng” bằng chiến thuật “marketing du kích” có một không hai, đối với chiếc smartphone chỉ với giá 300 USD.


Chiến thuật marketing của OnePlus nhận không ít "gạch đá" ngay từ những ngày đầu, nhưng không ai dám coi thường thành công mà nó mang lại: 1,5 triệu sản phẩm được bán chỉ trong 12 tháng kể từ lúc ra mắt và hơn 25,6 triệu lượt ghé thăm website vào cuối năm 2014 (chỉ vài tháng sau khi xuất hiện trên thị trường).
"Chửi thẳng mặt" người khổng lồ
OnePlus sinh ra là để "gây bão" trên thị trường.
Ngay khi chính thức ra mắt vào năm 2014, mẫu điện thoại OnePlus One được giới thiệu với cái tên "Sát thủ Flagship 2014", tự tin tuyên bố hàng loạt cấu hình khủng tương đương với những mẫu mã mắc tiền nhất của Samsung và Apple, nhưng với mức giá chỉ bằng một phần.
OnePlus sau đó còn "gắt" hơn khi gọi mẫu điện thoại ra đời năm 2015 của mình là "Sát thủ Flagship 2016", khẳng định cấu hình và mức giá sẵn sàng đương đầu với những sản phẩm ra đời 1 năm sau đó.
Không chỉ "mạnh miệng" truyền thông, OnePlus còn đưa ra một chương trình gặp nhiều chỉ trích mang tên "Đập tan quá khứ", khách hàng quay một đoạn clip tự tay phá hủy chiếc điện thoại cũ của mình sẽ có cơ hội nhận được một chiếc OnePlus One mới cóng, đồng sáng lập Carl Pei khẳng định rằng OnePlus đã nhận được gần 140.000 đoạn clip qua chương trình trên.
Thông điệp của OnePlus ngay từ khi xuất hiện không những quá "sốc" mà còn "đáng để tranh cãi", hàng triệu tín đồ công nghệ trên khắp thế giới ngay lập tức bị cuốn vào những chủ đề tranh luận, những ý kiến trái chiều liên tục xuất hiện, liệu OnePlus có thực sự đáng để sở hữu hay không …
Trong khi đó, phòng marketing của OnePlus vui vẻ chứng kiến tên tuổi công ty mình xuất hiện khắp nơi, từ diễn đàn công nghệ cho đến mạng xã hội và hơn hết là hàng loạt báo chí.

"Dành riêng cho khách mời"
Tuy không còn được áp dụng thường xuyên, nhưng phương pháp bán hàng "chỉ dành cho người có thư mời" đã nhanh chóng thúc đẩy tiếng tăm của OnePlus, hiệu quả đến mức nó vẫn còn được sử dụng để dự đoán nhu cầu của khách hàng trước khi một sản phẩm mới được công bố.
Cảm giác "số lượng có hạn" không chỉ gia tăng ham muốn mà còn khiến khách hàng ngày một bàn tán nhiều hơn về sản phẩm. OnePlus nắm được thông tin này và biến "vé mời" để mua một chiếc điện thoại thành giải thưởng của nhiều chương trình.
Không những thế, OnePlus còn mở cửa một số địa điểm chỉ để khách trải nghiệm điện thoại, cấm mua bán, biến cơ hội sở hữu một chiếc OnePlus ngày càng có giá trị hơn.
Dù vấp phải không ít phàn nàn về hệ thống "thư mời" này, OnePlus đã tận dụng nó để xây dựng được một nhóm khách hàng trung thành, những người luôn sẵn sàng sở hữu chiếc điện thoại OnePlus mới nhất và không ngừng giới thiệu bạn bè và người thân về sản phẩm tuyệt vời này.

Không cần phải tốt nhất, nhưng phải là duy nhất
OnePlus One hoàn toàn không phải là chiếc điện thoại tầm trung với cấu hình cao đầu tiên vào năm 2014. Nhưng với danh hiệu "Sát thủ Flagship" tự phong, OnePlus One đột nhiên trở thành đại diện chính của dòng điện thoại này.
Không những thế, danh hiệu "sát thủ" còn giúp OnePlus One trở thành một đối trọng để so sánh với rất nhiều mẫu điện thoại đang dẫn đầu thị trường, góp phần thúc đẩy doanh số lên một tầm cao mới.
Nguyên tắc marketing trên được lập lại với OnePlus 2, một chiếc điện thoại tầm trung sở hữu Alert Slider và cổng USB type-C gần như là đầu tiên trên thị trường.

Minh bạch và tương tác

OnePlus luôn cố gắng tương tác trực tiếp với tất cả người dùng của mình, nhà sáng lập Pei luôn sẵn lòng trả lời tất cả câu hỏi, giúp xây dựng một mối quan hệ rất tốt giữa công ty và khách hàng.
Nhất là khi mắc phải sai lầm dẫn đến sự chậm trễ của 2 mẫu điện thoại đầu tiên, Pei đã nhanh chóng đăng một lời xin lỗi công khai lên diễn đàn của OnePlus, đáp lại là hàng loạt lời động viên và gợi ý giúp OnePlus có thể trở nên tốt hơn.
Thậm chí nhà sáng lập này còn đăng một bài blog nhờ "đại gia" Samsung tư vấn hướng giải quyết một số vấn đề kho vận mà OnePlus đang gặp phải. Người dùng vì thế mà rất tôn trọng OnePlus về khả năng thẳng thắng ghi nhận lỗi lầm.
Phương thức làm việc này thú vị đến mức một bộ phim lấy cảm hứng từ câu chuyện của OnePlus đang được bàn bạc và rất có thể được công chiếu trong tương lai không xa.

Tạo hướng đi riêng
OnePlus là một trong những thương hiệu hiếm hoi "tận hưởng" tất cả tiếng xấu mà chương trình marketing của mình gây ra. Nhà sáng lập Pei không ngần ngại trả lời phỏng vấn về những kế hoạch truyền thông gây tranh cãi và liên tục viết blog chia sẻ những mục đích mà mình đang hướng tới.
Kết quả là, OnePlus là công ty duy nhất thực hiện thành công những "chiêu PR" lạ đời như: Nói xấu đối thủ trên thị trường, từ Apple bản sau như bản trước, Samsung hỏng hóc và mắc tiền, Windows Phone chẳng có ứng dụng... Đến việc tung ra từng cấu hình riêng lẻ của mẫu điện thoại mới để người hâm mộ hào hứng...
Nói cách khác, người hâm mộ OnePlus thừa hiểu những gì mà thương hiệu này đang làm, và họ sẵn sàng tham gia trào lưu đó.Tất cả đã đưa OnePlus trở thành một trong những bậc thầy marketing của thời đại mới. Suy cho cùng thì, chẳng phải chúng ta cũng đang giúp OnePlus nổi tiếng hơn hay sao?
Nguồn: Nguyễn Thanh Sang

Không có nhận xét nào