PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆM SẢN XUẤT THỰC PHẨM - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆM SẢN XUẤT THỰC PHẨM


Khá nhiều bạn từ Cộng Đồng Khởi nghiệp có inbox hỏi tớ về vấn đề pháp lý khi khởi nghiệp sản xuất thực phẩm. Do chưa có thời gian Livestream nên tranh thủ viết một bài để hỗ trợ trước mắt cho các bạn.
Theo hình ảnh đính kèm: Với A, B, C, D là đại diện cho chính các bạn và đối chiếu bên trên là trình tự cho ra sản phẩm. Tớ sẽ lần lượt hướng dẫn những vấn đề pháp lý cơ bản cho từng đối tượng A, B, C, D như sau:



Thứ nhất: A, B, C, D là tổ chức khởi nghiệp của các bạn phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý về đăng ký kinh doanh, trong đó có ngành nghề kinh doanh phù hợp với hoạt động sản xuất thực phẩm dự định thực hiện.
Hình thức tổ chức kinh doanh có thể là HỘ KINH DOANH CÁ THỂ hoặc DOANH NGHIỆP theo Luật doanh nghiệp.

HỘ KINH DOANH CÁ THỂ: thực hiện thủ tục đăng ký tại Phòng kinh tế - tài chính thuộc UBND cấp quận, huyện nơi dự định thành lập. (Lưu ý: Hộ kinh doanh cá thể sử dụng thường xuyên trên 10 lao động thì phải chuyển sang dạng Doanh nghiệp, không hoạt động dưới loại hình HỘ KINH DOANH).
DOANH NGHIỆP (bao gồm: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH, Công ty Cổ phần, Công ty Hợp danh) sẽ thực hiện đăng ký thành lập tại Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch đầu tư tỉnh/thành nơi thành lập.

👉Thứ hai, liên quan đến vấn đề ngay sau thành lập để đi vào hoạt động sản xuất/ kinh doanh, các bạn tham khảo Những việc Doanh nghiệp phải làm sau khi thành lập, tại đây: https://goo.gl/gUciG2

👉Thứ ba, những vấn đề pháp lý phải làm trước khi thực sự tiến hành sản xuất/kinh doanh:
A – DOANH NGHIỆP NUÔI/ TRỒNG/ KHAI THÁC NÔNG/ LÂM/ THỦY HẢI SẢN

A1: Cơ sở chăn nuôi thủy-hải sản: Cơ sở phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thuỷ sản, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật: Cơ sở nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản; tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định pháp luật hiện hành.
Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục thủy sản – Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trường hợp quy mô nhỏ với hình thức hoạt động Hộ kinh doanh cá thể thì xin cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại tại UBND quận/huyện.

A2: Cơ sở chăn nuôi gia sức, gia cầm:
Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục Thú y – Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Ngoài ra, tùy theo thiết kế trang trại mà có thể liên quan quản lý các hạng mục trang trại bởi Sở xây dựng, Sở tài nguyên và môi trường.
Trường hợp quy mô nhỏ với hình thức hoạt động Hộ kinh doanh cá thể thì xin cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại tại UBND quận/huyện.

A3: Cơ sở trồng trọt
Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục bảo vệ thực vật – Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trường hợp quy mô nhỏ với hình thức hoạt động Hộ kinh doanh cá thể thì xin cấp Giấy chứng nhận kinh tế trang trại tại UBND quận/huyện.

B: DOANH NGHIỆP KHAI THÁC/VẬN CHUYỂN/SƠ CHẾ:
- Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú ý tại Chi cục thú y – Sở NN&PTNT
- Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục thú y (Cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, cơ sở kinh doanh, lưu thông, tiêu thụ)
- Xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Chi cục quản lý chất lượng Nông Lâm – Thủy sản đối với những cơ sở:
+ Sản phẩm trồng trọt: Sơ chế chế biến độc lập, lưu thông, tiêu thụ (chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên doanh, phương tiện vận chuyển độc lập)
+ Sản phẩm chăn nuôi: Chế biến (giò, chả, thịt hộp, hàng khô, hun khói, ướp muối).
+ Sản phẩm thủy sản: Sơ chế, chế biến, lưu thông, tiêu thụ (chợ đầu mối, chợ đấu giá, cơ sở chuyên doanh, phương tiện vận chuyển độc lập).
+ Sản phẩm muối ăn: Sản xuất, sơ chế, chế biến, bao gói, tiêu thụ trong nước.
+ Sản phẩm hỗn hợp, phối chế (thực vật, động vật, thủy sản): Sơ chế, chế biến, kho lạnh bảo quản nông lâm thủy sản, cơ sở sản xuất vật liệu bao gói gắn với cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, lưu thông, tiêu thụ, xuất nhập khẩu, nước đá dùng cho bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản.
Trường hợp hoạt động theo hình thức Hộ kinh doanh thì làm thủ tục xin các loại giấy phép trên với UBND cấp Quận/ Huyện nơi đăng ký kinh doanh.

C: DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT THỰC PHẨM
Doanh nghiệp sản xuất thực phẩm phải có cơ sở sản xuất, có nhân sự được tập huấn và cấp Giấy xác nhận tập huấn an toàn vệ sinh thực phẩm và xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho việc sản xuất thực phẩm.
Nơi đăng ký tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân viên và xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm phụ thuộc vào loại sản phẩm thực phẩm mà Doanh nghiệp thực hiện sản xuất. Ví dụ:
- Nước đóng chai; Nước khoáng thiên nhiên; Phụ gia thực phẩm; Hương liệu thực phẩm; các loại thực phẩm thông thường như Trà, Café hòa tan,… do Chi cục an toàn thực phẩm – Sở y tế cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm;
- Ngũ cốc đã sơ chế, Thịt động vật dạng tươi, ướp lạnh, Sản phẩm phối chế từ thịt (giò, chả…), rau, củ, quả, trứng, sữa tươi, mật ong, muối, đường, chè tươi … do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn quản lý.
- Bia, rượu, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, tinh bột, bánh, mứt, kẹo,… do Sở công thương quản lý.
Các chứng chỉ/chứng nhận khác như ISO 22000, ISO 9001, GMP, VietGap là các loại chứng nhận hệ thống sản xuất đạt tiêu chuẩn nhất định, không bắt buộc nhưng được khuyến khích các Doanh nghiệp nâng cấp hệ thống để đạt các chứng nhận, tiêu chuẩn này.
Đối với các sản phẩm rượu, cần thực hiện xin cấp Giấy phép sản xuất rượu tại Sở công thương hoặc Vụ thị trường trong nước của Bộ công thương tùy theo quy mô sản xuất.
BÊN CẠNH ĐÓ, đối với Các cơ sở sản xuất thực phẩm, sau khi sản xuất thực phẩm thành phẩm, cần thực hiện việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/ Công bố hợp quy tại Chi cục an toàn thực phẩm – Sở y tế tỉnh/thành nơi sản xuất sản phẩm. Đối với các sản phẩm sản xuất nhằm mục đích xuất khẩu thì có thể thực hiện việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm/Công bố hợp quy tại Cục an toàn thực phẩm – Bộ y tế.
Các sản phẩm thực phẩm sản xuất bao gói cần tuân thủ quy định về nhãn sản phẩm của Chính phủ.
Liên quan đến hàng hóa sản xuất, cần lưu ý hai vấn đề: Nhãn hiệu hàng hóa và Mã số mã vạch. Trong đó, Nhãn hiệu hàng hóa thuojc phạm trù sở hữu trí tuệ, là quyền, không phải là nghĩa vụ. Do đó, việc đăng ký nhãn hiệu hàng hóa là không bắt buộc khi đóng gói sản phẩm và in nhãn. Tuy nhiên, theo Luật thương mại và Luật cạnh tranh thì Doanh nghiệp phải đảm bảo nhãn hiệu hàng hóa không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và quyền tác giả của các sản phẩm, hàng hóa đang lưu thông trên thị trường đã được bảo hộ quyền. Mã số mã vạch là công cụ từ sáng tạo khoa học kỹ thuật để giúp người sản xuất, kinh doanh có thể quản lý sản phẩm, hàng hóa về mặt số lượng trong quá trình lưu thông.

D: DOANH NGHIỆP KINH DOANH, PHÂN PHỐI THỰC PHẨM
Doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm thực phẩm cần xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ quan quản lý chuyên biệt phân cấp theo sản phẩm tương tự phần nội dung đối với Cơ sở sản xuất trên đây.
Riêng đối với cơ sở kinh doanh rượu, cần xin cấp Giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu hoặc Giấy phép kinh doanh bán buôn rượu tại Sở công thương, hoặc Giấy phép phân phối rượu (trường hợp bán buôn từ 3 tỉnh thành trở lên và có hệ thống phân phối tại 3 tỉnh đáp ứng điều kiện) tại Vụ thị trường trong nước – Bộ công thương.
BÊN CẠNH ĐÓ, đối với việc lưu hành hàng hóa, Doanh nghiệp kinh doanh, phân phối không cần thực hiện việc công bố sản phẩm khi sản phẩm thuộc sở hữu của nhà sản xuất, vì nghĩa vụ này thuộc về nhà sản xuất. Trừ trường hợp Chủ sở hữu sản phẩm là đơn vị kinh doanh, phân phối nhưng không trực tiếp sản xuất mà thuê một đơn vị sản xuất đã có đủ điều kiện an toàn thực phẩm sản xuất gia công hàng hóa cho mình.
Riêng đối với Thực phẩm chức năng (Thực phẩm bảo vệ sức khỏe), Thực phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng (VD: Nước tăng lực, sữa công thức, …) sẽ thực hiện việc công bố sản phẩm tại Cục an toàn thực phẩm – Bộ y tế.
Cũng xin lưu ý thêm, Đơn vị phân phối hoàn toàn có thể thực hiện việc dán bổ sung nhãn phụ để xây dựng thương hiệu và sử dụng mã số mã vạch của đơn vị mình được cấp để quản lý hàng hóa trong quá trình kinh doanh.
LƯU Ý: Với trường hợp Doanh nghiệp thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất, kinh doanh nêu trên, tức là Doanh nghiệp là đồng thời A, B hoặc A, B, C hoặc A, B, C, D thì sẽ cần đáp ứng đồi thời điều kiện tớ hướng dẫn ở mỗi loại trên đây.
🌟Ví dụ cụ thể của bạn Diệp Thị Thảo Trang từ Cộng đồng Khởi Nghiệp có nêu ra xin ý kiến, anh nêu lại và hướng dẫn cho Trang, cũng đồng thời để mọi người tham khảo như sau:
Thu mua nguyên liệu tại địa phương là đỗ đen, đỗ đỏ, cỏ ngọt,… => Rang, nghiền, phối trộn tại nhà xưởng của mình tại Đà Nẵng => Đóng gói thành phẩm dạng trà túi lọc tại TP. Hồ Chí Minh theo hợp đồng thuê gia công với một đơn vị có đủ năng lực đóng gói. Các vấn đề pháp lý cần quan tâm sẽ là:

1. Đăng ký kinh doanh dạng hộ kinh doanh hoặc thành lập công ty. Ý kiến của anh là nên thành lập công ty tại Sở kế hoạch và đầu tư (Có ngành nghề sản xuất nguyên liệu thực phẩm và sản xuất thực phẩm, bán buôn thực phẩm, bán lẻ thực phẩm)

2. Chuẩn bị nhà xưởng đủ điều kiện an toàn thực phẩm (Điều kiện cụ thể đối với xưởng, nếu muốn anh tham vấn chi tiết về mức đáp ứng thì nên chụp ảnh nhà xưởng hiện có, gửi cho anh để anh đánh giá và hướng dẫn điều chỉnh thiết kế nếu cần thiết), cho chủ cơ sở và người lao động chính đi khám sức khỏe và học tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, thi cấp Giấy xác nhận tại Chi cục an toàn thực phẩm – Sở y tế Đà Nẵng. Trường hợp sơ chế và đóng gói nguyên liệu cỏ ngọt thì xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm tại Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng

3. Ký kết hợp đồng thuê gia công với đơn vị đóng gói. Tài liệu gồm Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đóng gói thực phẩm đủ điều kiện an toàn thực phẩm, Giấy xác nhận phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với bao bì dùng để ddóng gói là những tài liệu bắt buộc đi kèm Hợp đồng;

4. Thiết kế nội dung nhãn tuân thủ theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về Nhãn hàng hóa;

5. Kiểm định mẫu sản phẩm với các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu, chỉ tiêu vi sinh vật, chỉ tiêu thôi nhiễm kim loại nặng, chỉ tiêu độc tố vi nấm có trong sản phẩm để kiểm soát chất lượng sản phẩm và bảo đảm đủ điều kiện lưu hành;

6. Thực hiện việc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm tại Chi cục an toàn thực phẩm – Sở y tế Đà Nẵng

7. Trong công tác truyền thông sản phẩm và nâng cấp hoạt động kinh doanh, có thể quan tâm sắp đặt hệ thống phù hợp và xin cấp các loại chứng chỉ/chứng nhận sau:
- ISO 22000
- HACCP
- GMP
- Đăng ký nhãn hiệu
- Xin cấp Mã số mã vạch
- Đăng ký chương trình bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao;

8. Đối với các chương trình quảng cáo hoặc các chương trình xúc tiến thương mại khác trong quá trình kinh doanh, cần lưu ý xin cấp phép trước khi thực hiện.
Bạn nào đã, đang hoặc sẽ khởi nghiệp linh vực nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh thực phẩm nếu còn vướng mắc bất cứ điều gì liên quan đến khía cạnh pháp lý hoặc quản lý hành chính thì hoàn toàn có thể nêu ra, tớ sẽ giúp đỡ!

Chúc Khởi nghiệp thành công!

Tác giả: Kiên trần - thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào