BÓNG BÀN VÀ NHÀ QUẢN TRỊ - CLB Nguồn Hàng Khởi Nghiệp by KNVN.VN

Header Ads

BÓNG BÀN VÀ NHÀ QUẢN TRỊ





Trong các môn thể thao thì môn thể thao mình yêu thích nhất là bóng bàn. Có thể do ảnh hưởng của người cha, có thể do thân hình không được to cao nên hạn chế trong việc chơi thể thao mà chơi bóng bàn đến như một cái duyên.

Trong quá trình chơi bóng bàn và học quản trị, mình chợt nhận ra bóng bàn và quản trị có nhiều nét tương đồng. Chúng ta cùng điểm qua các điểm đó:

1. Chịu trách nhiệm

Bóng bàn như cầu lông, tennis là môn thể thao đối kháng trực tiếp. Bởi thế cho dù vì bất cứ lý do gì bạn thua trong trận đấu thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về bạn. Có thể do sức khỏe, bạn di chuyển chưa tốt, phán đoán chưa tốt, tâm trạng chưa tốt, nhưng hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó.
Nhà quản trị cũng vậy, các quyết định, các bước đi đội nhóm, đội nhóm thành công hay thất bại đều phụ thuộc rất lớn vào nhà quản trị. Cho dù bạn có chuyện tình cảm, gia đình không được tốt nhưng vẫn phải đảm bảo một điều công việc của bạn, giao tiếp của bạn với đội ngũ vẫn bình thường. Bởi vì chỉ một sai sót nhỏ của bạn sẽ kéo cả cục diện đội nhóm bạn đi xuống.

2. Nguyên tắc và kỷ luật

Như cầu lông, đôi lúc chúng ta cầm vợt sai cách vẫn có thể chơi môn thể thao đó được, tuy không đạt trình độ cao nhưng vẫn chơi được bình thường. Trong bóng bàn thì khác, nếu bạn có cách cầm vợt sai thì chắc chắn bạn không thể chơi bóng bàn vì bóng sẽ bay ra ngoài bàn hoặc không theo ý muốn. Vì thế để chơi bóng bàn hiệu quả, chúng ta nên tập cách cầm vợt đúng tư thế ngay từ ngày đầu tiên chơi.
Trong quản trị cũng vậy, mỗi con người đều có những cá tính, hoàn cảnh, mục tiêu riêng khác nhau. Quản trị con người cũng có những nguyên tắc riêng của nó. Và nếu ta không nắm rõ được những nguyên tắc đó thì việc quản trị con người là công việc khó khăn nhất mà chúng ta từng làm.
Đội nhóm muốn thành công là đội nhóm phải có kỷ luật. Hãy tạo kỷ luật cho đội nhóm của bạn ngay từ lúc nó vừa hình thành, đừng để đội nhóm phát triển mới bắt đầu làm văn hóa kỷ luật thì lúc đó sẽ rất khó khăn khi đề ra một văn hóa nào. Có câu:
Uốn cây từ thuở còn non
Dạy con từ thuở con còn ngây thơ

3. Cương nhu phù hợp

Bóng bàn giới hạn về diện tích thi đấu chỉ vỏn vẹn trong dài 274cm, rộng 152.5cm và cao 76cm so với mặt đất - một diện tích khá nhỏ. Những người mới tập bóng bàn thì đánh mạnh quá thì bay ra khỏi bạn, đánh nhẹ quá thì không qua lưới.
Một nhà quản trị như người cầm vợt đánh bóng và đội ngũ họ cũng như quả bóng. Bạn phải biết lúc nào nên cương, lúc nào nên nhu, người nào nên cương quyết với họ, ngược lại người nào nên dùng nhu mềm để trị, tình huống nào nên cương, tình huống nào nên nhu phù hợp. Từ đó đòi hỏi người quản trị phải hiểu rõ về tính cách, tâm lý con người ( các bạn tham khảo thêm phân loại tính cách MBTI, Disc), hay có kinh nghiệm trong việc xử lý tình huống.

4. Sự khéo léo

Trong bóng bàn giao bóng có 2 kiểu giao thường dùng là làm cho bóng xoáy lên hoặc làm cho bóng xoáy xuống. Nhiệm vụ người đỡ đòn giao phải phán đoán được đối phương đang giao kiểu gì, bóng sẽ bay gần bàn hay xa bàn để có cách xử lý phù hợp. Nếu đối phương giao bóng xoáy lên mà chúng ta đỡ bằng theo kiểu xoáy xuống, bóng sẽ bay ngoài tầm kiểm soát chúng ta và không như ý muốn.
Trong quản trị, việc phán đoán và nhận biết tình huống là khả năng cốt lõi của người quản trị. Trước dấu hiệu tinh thần đội ngũ mình đi xuống hay tình huống khác, nhà quản trị phải tìm hiểu rõ lý do và sau đó đề ra cách xử lý cách phù hợp với lý do đó, tuyệt đối tránh tình trạng chưa phán đoán, chưa tìm hiểu đã vội đưa ra cách xử lý thì cũng như quả bóng kia, bay ra ngoài tầm kiểm soát. Đó chính là tầm quan trọng của kỹ năng giải quyết vấn đề.

5. Mỗi người một việc

Ngoài hình thức đánh solo thì bóng bàn còn có hình thức đánh đôi. Đặc điểm đánh đôi trong bóng bàn mà được nhiều người rất yêu thích tuy rất khó, đó là mỗi người thay phiên nhau đỡ bóng ( 1 người không được đỡ bóng 2 lần liên tiếp ). Việc này rất khó tại vì sao? Tốc độ di chuyển bóng bàn rất nhanh, diện tích thi đấu rất hẹp vì thế đòi hỏi sự phối hợp di chuyển rất ăn ý của 2 người. Ngoài ra nếu đường bóng bàn đỡ gây lỗi thì rất dễ bị đối phương phản công mạnh mẽ và đồng đội của bạn phải gánh công việc rất nặng nề tiếp theo là đỡ đòn phản công đó.
Trong quản trị nguyên tắc đó là gì? Đó là mỗi người một việc và phải tự hoàn thành tốt công việc của mình. Trong đội ngũ phải phối hợp hết sức ăn ý, nhịp nhàng tương tự việc di chuyển và đánh bóng. Và đặc biệt hơn là phải luôn hoàn thành tốt nhất công việc của mình được giao, và chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu không người hứng chịu hậu quả và lỗi lầm của bạn chính là người đồng đội của bạn như đánh bóng bàn: người đỡ gây lỗi dẫn đến đồng đội mình phải đỡ đường bóng khó khăn và kết quả chung cuộc cả team sẽ thua.

Bóng bàn và quản trị có rất nhiều điểm chung để khám phá và tìm hiểu. Chơi bóng bàn cũng như đang học quản trị vậy.
Nguồn: Nguyễn Hưng Hòa - Thành viên khởi nghiệp Việt Nam

Không có nhận xét nào