NGHỆ THUẬT PHA CÀ PHÊ SIÊU NGON HẤP DẪN
Bản thân tôi là một người khá thích thú với hương vị của cà phê. Cái hương vừa nồng nàn mà thơm đậm của nó dễ làm người ta cuốn hút lắm, nhất là khi ngồi nghe mấy bản nhạc ballad rồi nhâm nhi ly cà phê trong đêm. Cái cảm nhận lúc ấy dễ dàng gói trọn trong một từ tận hưởng. Thích cái mùi vị của nó là thế, nhưng để có một ly cà phê ngon lành thì khâu pha chế rất quan trọng đấy!
Uống cà phê cũng cần có nghệ thuật, nhưng nghệ thuật tôi nói ở đây không phải là tư thế hay cách uống mà đó là cách cảm nhận cà phê. Cảm nhận từ ngụm đầu tới cuối, từ lúc nóng hay lạnh, hay kể cả ngọt hay đắng để ta biết cà phê hấp dẫn tới mức nào!
Cách thưởng thức cà phê cũng tuỳ theo từng nền văn hóa, tập quán dân tộc hay khẩu vị từng cá nhân. Về cơ bản người ta phân biệt 5 hình thức khác nhau:
Ở các nước Đức, Thụy Sĩ và Mỹ người ta pha cà phê bằng cách cho nước sôi chảy qua một cái túi lọc chứa bột cà phê. Cách thức này được Melitta Bentz phát minh ra vào năm 1908.
Phổ biến nhất ở Ý là cà phê espresso. Loại cà phê này được pha bằng cách cho nước bị ép dưới áp suất cao chảy qua cà phê xay cực mịn. Cách pha này sẽ tạo ra một lớp kem từ dầu cà phê.
Thổ Nhĩ Kỳ và các nước vùng Balkan pha cà phê theo "kiểu Thổ Nhĩ Kỳ". Theo cách này cà phê xay mịn, đường và nước được cho vào một loại ấm mỏng hình chóp rồi đun lên.
Pha kiểu Pháp: kiểu pha này khá nổi tiếng và cũng rất gần gũi với nhiều người. Họ dùng một loại bình gọi là French press có cấu tạo tương tự như phin cà phê của Việt Nam. Bột cà phê được cho vào trong bình rồi dùng một miếng lọc bằng kim loại ép lên trên, sau đó rót nước sôi vào và đậy nắp lại. Nước sôi sẽ qua miếng lọc rồi thấm dần vào bột cà phê. Do tốc độ chảy của nước khi qua miếng lọc rất chậm nên cà phê sẽ rất đặc.
Cà phê hòa tan: loại cà phê chỉ cần đổ nước nóng vào, khuấy lên là có thể uống ngay.
Trên cơ sở năm cách pha chế trên mà ngày nay người ta phát minh ra hàng trăm công thức pha cà phê cũng như hàng ngàn món đồ uống có chứa cà phê. Nhiều cách thức đòi hỏi phải có máy pha cà phê chuyên dụng.
Post a Comment