[Dự án LetsPro] Phong cách 'chậm mà chất' của hệ thống giáo dục online trực tiếp LetsPro
Không chạy theo doanh thu, tiến chậm mà chắc để bảo đảm chất lượng là chủ trương của nhóm sáng lập công ty Công ty Cổ phần Giáo dục LetsPro ở Hà Nội.
Trần Đức Huân là một giảng viên của Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Sau khi lấy bằng tiến sĩ kỹ thuật ở Đức, anh trở về nước năm 2017 và ấp ủ ý tưởng khởi nghiệp trong lĩnh vực giáo dục. Vị tiến sĩ sinh năm 1986 cùng với Đinh Văn Huân - một kỹ sư công nghệ thông tin cũng sinh năm 1986 - và một giảng viên thành lập Công ty Cổ phần Giáo dục LetsPro vào tháng 2 năm nay. Trụ sở công ty là số 54 A, ngõ 323, Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
LetsPro tổ chức các khóa học trực tiếp online, có tính tương tác cao, sinh động, và hiệu quả cho người học (thay vì ngồi xem các video ghi sẵn một cách thụ động, học viên có thể tương tác trực tiếp với giáo viên, và các học viên khác, nhưng vẫn có thể tiếp cận các video ghi sẵn hỗ trợ tùy theo khóa học). Vì học trực tuyến nên học viên ở mọi nơi trên thế giới có thể tham gia lớp.
Tiến sĩ kỹ thuật Trần Đức Huân, người đồng sáng lập và cũng là một giảng viên của LetsPro. |
Nội dung đào tạo của LetsPro rất đa dạng - từ Tiếng Anh, quản trị kinh doanh, lập trình, tin học văn phòng, quản trị mục tiêu, khởi nghiệp, quản lý dự án, thiết lập mục tiêu cá nhân. Đa số giảng viên là người giàu kinh nghiệm, từng tu nghiệp ở nước ngoài.
Ban đầu nhóm sáng lập gặp rất nhiều khó khăn - nhất là về quản trị, quy trình, nhân sự và marketing. Họ vừa làm vừa điều chỉnh để phù hợp với thị trường. Nhóm bắt đầu bằng việc giới thiệu dịch vụ tới những sinh viên, giảng viên mà họ quen và tiếp xúc. Ngoài ra, họ tích cực quảng bá qua Facebook và Zalo.
Đội ngũ trợ lý đào tạo nhắc nhở, quản lý học viên khá nghiêm để rèn tính kỷ luật và ý thức học cao, giúp họ đạt hiệu quả hơn hẳn so với việc tự do xem video ghi sẵn. LetsPro sẵn sàng loại khỏi lớp những học viên không học nghiêm chỉnh, trả lại tiền những học viên không hài lòng với chương trình.
Trước khi lớp bắt đầu, bộ phận đào tạo sẽ hỗ trợ kỹ thuật, hướng dẫn học viên sử dụng hệ thống học online. Trong lúc học, giáo viên và trợ lý đào tạo luôn bàn bạc, lên chương trình dạy và hỗ trợ học viên.
Vốn không phải là khó khăn đối với LetsPro, bởi nhóm sáng lập có thể tự đầu tư thêm nếu công ty cần. Thách thức lớn nhất của họ hiện nay là tìm nhân sự phù hợp để sát cánh cùng họ trong thời gian dài. Công ty có mối quan hệ với nhiều giảng viên giỏi, nhưng chưa thể tìm người đủ tầm để phụ trách hoạt động tiếp thị.
Khi xây dựng hệ thống, ban giám đốc đã tính toán thiết lập các biện pháp quản lý, tổ chức dựa trên nền tảng website, để giảm thiểu tối đa chi phí, hạ giá dịch vụ. Khi quy mô nhỏ, một nhân sự có thể đảm nhận nhiều việc. Nhưng LetsPro luôn sẵn sàng cho việc phát triển và bổ sung nhân sự khi cần thiết.
"Trải nhiệm khi học online trực tiếp thật mới mẻ và tiện lợi. Tương tác khi học tốt hơn hẳn việc tự mua video về học, thầy giáo dạy rất hay và vui tính. Tôi sẽ tiếp tục các khóa sau với LetsPro", Trần Quang Huy, một học viên tham gia lớp Tiếng Anh cơ bản, nhận xét.
Giao diện màn hình về một buổi học trực tuyến do LetsPro tổ chức. |
Mặc dù mới khởi nghiệp 6 tháng, nhóm sáng lập đã rút ra nhiều bài học quý. Bài học đầu tiên là: Người kinh doanh cần có khát vọng và đam mê, sau đó cứ học hỏi dần sẽ tiến bộ.
"Chúng ta phải đề ra mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn, đồng thời dự đoán những khó khăn có thể xảy ra, rồi nhân gấp 10 lần khó khăn để sẵn sàng ứng phó", Huân thổ lộ.
Huân cũng nhấn mạnh con người là yếu tố cốt lõi đối với sự thành công của mô hình kinh doanh. Nhóm sáng lập phải có tầm nhìn lớn, nhiệt huyết và quyết tâm theo đuổi mục tiêu tới cùng.
"Mọi doanh nghiệp đều nên quản lý theo mô hình và cần thúc đẩy tự động hóa doanh nghiệp", anh bình luận.
Phương châm của ban quản trị LetsPro là "tiến chậm nhưng chắc". Hiện nay, dù nhu cầu học trực tuyến khá cao, họ không muốn mở quá nhiều lớp vì lo ngại chất lượng sẽ giảm khi số lớp tăng nếu không có đủ nhân sự để quản lý.
"Đảm bảo chất lượng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. LetsPro sẵn sàng trả lại tiền cho học viên có thái độ học tập không nghiêm túc để họ rời khỏi lớp. Chúng tôi cũng không muốn tăng số lượng lớp một cách ồ ạt để tăng doanh thu, vì tình trạng ấy có thể khiến chất lượng giảm. Dịch vụ giáo dục sẽ không thể tồn tại lâu nếu doanh nghiệp không thể giúp học viên tiến bộ", Huân nhận định.
Kim Cương -báo Kinh tế và tiêu dùng
Post a Comment